Đi bộ và chạy bộ đều là những hình thức tập luyện phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên, việc lựa chọn hình thức nào phù hợp phụ thuộc vào mục tiêu, thể trạng và sở thích cá nhân của mỗi người.
Lợi ích của việc đi bộ, chạy bộ
Hoạt động thể chất rất cần thiết đối với sức khỏe của mỗi người. Trong số các hoạt động thể chất phổ biến, đi bộ và chạy bộ được nhiều người lựa chọn bởi chúng đơn giản, dễ thực hiện và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Đi bộ được xem là phương pháp tập luyện phù hợp với mọi lứa tuổi, thể trạng, đặc biệt là người mới bắt đầu, người cao tuổi và người có vấn đề về khớp. Đi bộ mang lại những lợi ích sức khỏe như:
- Kiểm soát cân nặng: Giúp đốt cháy calo, hỗ trợ giảm cân hoặc duy trì cân nặng hợp lý.
- Tăng cường sức khỏe tim mạch: Cải thiện hệ hô hấp, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp cao.
- Tăng cường sức mạnh: Giúp cơ bắp và xương khớp dẻo dai, linh hoạt.
- Cải thiện tâm trạng: Giảm stress, lo âu, trầm cảm, mang lại tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Chạy bộ là hình thức tập luyện đòi hỏi cường độ cao hơn, phù hợp với người có sức khỏe tốt, đã quen với việc tập luyện thể dục thể thao. Chạy bộ mang lại những lợi ích như:
- Giảm nguy cơ mắc bệnh: Giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, ung thư.
- Tăng cường sức mạnh: Giúp cơ bắp và xương khớp phát triển mạnh mẽ hơn.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Tăng cường sức khỏe tim mạch, cải thiện hệ hô hấp.
- Giảm stress, tăng cường trí nhớ: Giúp giảm stress, lo âu, trầm cảm, tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung.
Chạy bộ có tốt hơn đi bộ không? Nên đi bộ hay chạy bộ?
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên -TTrưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thay thế đi bộ bằng chạy bộ sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là đối với người từ 45 tuổi trở lên. So với đi bộ, chạy bộ giúp đốt cháy nhiều calo, hỗ trợ giảm cân hiệu quả hơn.
Chạy bộ là bài tập toàn thân, đòi hỏi sự linh hoạt và phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận cơ thể để giữ thăng bằng. Chỉ cần 30 phút chạy bộ mỗi ngày, bạn có thể: Giảm cân, tăng cường sức khỏe tim mạch, cải thiện sức khỏe tinh thần và nhiều lợi ích khác.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đi bộ không tốt cho sức khỏe. Cả hai hình thức tập luyện này đều mang lại lợi ích cho cơ thể, tùy thuộc vào thể trạng và mục tiêu của mỗi người.
Đối với người trên 65 tuổi, khuyến cáo nên duy trì vận động 30 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải, bao gồm:
- Đi bộ với tốc độ ổn định
- Đi bộ nhanh
- Leo dốc
- Leo cầu thang
Nếu bạn đang gặp vấn đề sức khỏe hoặc mắc bệnh lý mãn tính, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Cách đi bộ, chạy bộ đạt hiệu quả
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi tập luyện, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
Khởi động kỹ và giãn cơ đầy đủ:
Đây là bước quan trọng nhất để giúp cơ bắp nóng lên, tăng cường sự linh hoạt và giảm nguy cơ chấn thương. Hãy dành 5-10 phút để khởi động trước khi tập, bao gồm các động tác xoay khớp, tập giãn cơ nhẹ nhàng.
Sau khi tập luyện, bạn cũng nên dành 5-10 phút để giãn cơ kỹ lưỡng, giúp cơ bắp thư giãn và phục hồi.
Tập luyện các cơ hỗ trợ
Việc duy trì sức mạnh cho các cơ quan trọng như cơ mông nhỡ, cơ gân kheo, cơ bụng… sẽ giúp hỗ trợ vận động hiệu quả và giảm nguy cơ chấn thương.
Bạn có thể tập các bài tập tăng cường sức mạnh cho các nhóm cơ này 2-3 lần mỗi tuần.
Tăng cường độ tập luyện từ từ
Đừng vội vàng tăng tốc độ hay quãng đường chạy ngay từ đầu. Hãy bắt đầu với cường độ nhẹ và tăng dần theo thời gian.
Theo nguyên tắc chung, bạn không nên tăng quãng đường hoặc cường độ tập luyện quá 10% mỗi tuần.
Áp dụng phương pháp tập luyện phù hợp
Bạn có thể khởi động bằng cách đi bộ, sau đó chuyển sang chạy bộ, xen kẽ giữa đi bộ và chạy bộ với thời gian hợp lý.
Hoặc áp dụng phương pháp chạy 5-10 giây xen kẽ với 1 phút đi bộ, sau đó tăng dần tốc độ và thời gian chạy.
Lựa chọn mục tiêu phù hợp
Đặt ra mục tiêu tập luyện phù hợp với thể trạng và khả năng của bản thân. Tránh đặt mục tiêu quá cao hoặc tập luyện quá sức, dẫn đến chán nản và nguy cơ chấn thương.
Luyện tập các bài tập giữ thăng bằng
Các bài tập giữ thăng bằng giúp cải thiện khả năng phối hợp và giảm nguy cơ ngã, té, dẫn đến chấn thương. Bạn có thể tập các bài tập yoga, pilates hoặc đơn giản là tập đứng trên một chân.
Cả đi bộ và chạy bộ đều là những hình thức tập luyện đơn giản, dễ thực hiện và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy dành thời gian mỗi ngày để tập luyện đi bộ hoặc chạy bộ, bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi tích cực về sức khỏe và tinh thần của bản thân.
Nguồn; Báo Sức khỏe và Đời sống